Hội thảo “Chương trình đào tạo Thạc sĩ Quản lý công nghiệp”

Nhằm mục tiêu trao đổi và hoàn thiện nội dung chương trình đào tạo Thạc sĩ ngành Quản lý công nghiệp chiều ngày 27/7/2017 Khoa QLCN&NL đã tổ chức Hội thảo “Chương trình đào tạo Thạc sĩ Quản lý công nghiệp”. Hội thảo đã được tổ chức và diễn ra thành công tốt đẹp tại phòng họp A trường ĐH Điện lực.

Tham dự hội thảo có sự hiện diện của Tổ soạn thảo CT ĐT trình độ Thạc sĩ ngành Quản lý công nghiệp, gồm: TS. Dương Trung Kiên – Trưởng khoa QLCN&NL, TS. Trần Hồng Nguyên – Phó Trưởng khoa QLCN&NL, TS. Đàm Khánh Linh – Giảng viên khoa QLCN&NL, PGS.TS Nguyễn Cảnh Nam – Giảng viên khoa QLCN&NL, TS Nguyễn Tùng Linh – Chuyên viên Phòng Sau ĐH, Th.S Nguyễn Hoàng Linh – Công ty Ô tô Toyota Việt Nam, TS Nguyễn Đạt Minh – Giảng viên khoa QLCN&NL; Về phía giảng viên ngoài Khoa có PGS. TS Lê Anh Tuấn - Trưởng khoa KT&QL – EPU, PGS. TS Nguyễn Minh Duệ - Chuyên gia Hiệp hội Năng lượng; Về phía người sử dụng lao động có Th.S Nguyễn Hoàng Linh – Công ty Ô tô Toyota Việt Nam, ông Đặng Thanh Bình – Giám đốc Công ty CP Công nghệ chiếu sáng và tiết kiệm điện cùng toàn thể các giảng viên trong Khoa và các sinh viên đã tốt nghiệp

Sau lời phát biểu khai mạc của TS. Dương Trung Kiên - Trưởng khoa QLCN&NL là phần trình bày của TS. Nguyễn Đạt Minh về những nội dung trong quá trình xây dựng chương trình đào tạo trình độ Thạc sĩ ngành Quản lý công nghiệp như:

  • Khảo sát nhu cầu đào tạo trình độ Thạc sĩ ngành QLCN và nhu cầu nhân lực trình độ thạc sĩ QLCN.
  • Xây dựng mục tiêu của ngành đào tạo.
  • Tham khảo các chương trình đào tạo Quản lý CN của các trường Đại học trong nước và quốc tế.
  • Xây dựng cấu trúc chương trình.
  • Chương trình ngành Quản lý CN.

Chương trình đào tạo Thạc sĩ ngành Quản lý công nghiệp

Tiếp theo là phần trình bày các ý kiến tham luận của các chuyên gia và đại diện người sử dụng lao động. PGS. TS Nguyễn Minh Duệ - chuyên gia của Hiệp hội Năng lượng cho rằng:

  •  Trường Đại học Điện Lực đã rất cố gắng trong việc xây dựng ngành Quản lý CN theo đúng nhu cầu của xã hội.
  • Xác định rõ mục tiêu đào tạo Thạc sĩ định hướng nghiên cứu hay định hướng ứng dụng để xây dựng nội dung đào tạo cho phù hợp.
  • Các ngành Quản lý năng lượng, Kinh tế công nghiệp, Logistic và quản lý chuỗi cung ứng nên để riêng thành nhóm ngành QLCN để thuận tiện cho việc bổ sung kiến thức trước khi thi tuyển.

PGS. TS Lê Anh Tuấn – Trưởng khoa KT&QL, Trường ĐH Điện lực đóng góp ý kiến xây dựng chương trình:

  • Để bổ sung kiến thức trước khi thi tuyển được hiệu quả thì các ngành gần với ngành QLCN nên chia thành 2 nhóm: 1. Nhóm các ngành Kinh doanh và quản lý, Kinh tế học; 2. Nhóm các ngành Công nghệ kỹ thuật; Kỹ thuật; Sản xuất và chế biến; Dịch vụ vận tải.
  • Nên một số môn chính của chương trình đại học QLCN vào chương trình học bổ sung. VD: Phân tích hệ thống SX, Kinh tế công nghiệp, Định mức kinh tế kỹ thuật, Quản lý tác nghiệp.
  •  Nên để tên môn thi đầu vào là: Môn cơ sở ngành
  • Tham khảo thêm chương trình Thạc sĩ QLCN của một số nước trên thế giới, Tiếp cận với nội dung Quản trị đổi mới sáng tạo trong kinh doanh.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, đại diện cho người sử dụng lao động trao đổi chương trình đào tạo trình độ Thạc sĩ ngành QLCN giúp cho học viên sau khi tốt nghiệp làm việc tại công ty đều đáp ứng được các yêu cầu về nhân lực trình độ cao của công ty. Ông Linh cũng cho biết nhu cầu Thạc sĩ QLCN tại các DN hiện này rất lớn. Vì vậy việc đào tạo Thạc sĩ ngành QLCN là rất phù hợp với nhu cầu thực tiễn của XH hiện nay. Tuy nhiên, Ông Linh cũng có góp ý thêm: trong chương trình đào tạo Thạc sĩ QLCN nên đưa thêm các chương trình đào tạo các mô hình, phần mềm về QLCN tiên tiến.

Ông Đặng Thanh Bình, đại diện cho người tuyển dụng lao động, là cựu sinh viên trình bày ý kiến của mình về chương trình đào tạo: nên gắn với hoạt động sản xuất của DN; Phát triển thêm các môn kỹ thuật;

Có thể thấy, các nội dung được đề cập và phần trao đổi đóng góp của các khách mời đều là những vấn đề trọng tâm, cấp thiết phục vụ công tác xây dựng, hoàn thiện mục tiêu, nội dung và chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo Thạc sĩ ngành QLCN.

Cuối chương trình, TS. Dương Trung Kiên  cảm ơn sự trao đổi và đóng góp của các thành viên tham dự. Buổi hội thảo kết thúc lúc 15h30 ngày 27 tháng 7 năm 2018.

- Nguyễn Thị Lê -